Xe sedan phổ thông và những trang bị an toàn cơ bản

30/12/2016

Một trong những tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn bất kỳ dòng xe nào chính là độ an toàn. Do vậy, dù thuộc hàng phổ thông với chi phí sản xuất khá hạn chế, nhưng những mẫu sedan hạng B vẫn luôn được nhà sản xuất cố gắng trang bị an toàn tối thiểu ở mức đủ dùng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin cơ bản về các trang bị an toàn trên dòng sedan phổ thông hiện đang được phân phối tại thị trường Việt Nam.

Hệ thống khung gầm

Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ chủ động kéo theo các nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống an toàn thụ động. Hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa thương tật cho hành khách trên xe khi xảy ra tai nạn, các hãng xe liên tục thử nghiệm và tối ưu hóa hệ thống khung/gầm của xe sao cho có thể hấp thụ xung lực khi va chạm một cách tối ưu nhất. Một trong những cách được nhà sản xuất áp dụng đó là giả lập các trường hợp va chạm cho khung xe trên máy tính, rồi cho ra các kết cấu phù hợp nhất để đưa vào sản xuất.

Hệ thống khung xe GOA của Toyota Vios được đánh giá rất cao.

Hệ thống khung xe GOA của Toyota Vios được đánh giá rất cao

Các loại vật liệu mới có tính chất bền bỉ, nhẹ và cứng chắc hơn cũng được các nhà sản xuất đồng thời áp dụng. Thép cường lực (High-Strength Steel) và hợp kim nhôm siêu cứng là những loại vật liệu đang được sử dụng nhiều hiện nay.

Các loại vật liệu này có trọng lượng nhẹ hơn nhiều nhưng khả năng đảm bảo độ cứng vẫn đảm bảo như các loại thép phổ biến ở các xe đời cũ. Hiện nay, nhiều mẫu sedan hạng B cũng đã được áp dụng một phần nào đó các công nghệ tiên tiến như trên các mẫu xe cao cấp.

Chẳng hạn như bộ khung được gia cố bằng thép cường lực trên Suzuki Ciaz mới, vừa giúp tăng khả năng hạn chế lực va chạm, vừa giúp mẫu xe này có khối lượng tổng thể nhẹ hơn so với đối thủ. Suzuki Ciaz mới có trọng lượng 1.025Kg, trong khi Attrage nặng hơn với 1.334Kg hay Honda City bản sử dụng hộp số sàn nặng 1.085Kg.

Hệ thống phanh ABS

Phanh để giảm tốc và dừng hẳn xe về vận tốc “0” là hệ thống cần thiết trên bất cứ một mẫu xe nào, dù là hai bánh hay bốn bánh. Nếu người sử dụng để xảy ra hiện tượng bó cứng phanh, khiến bánh xe ngưng quay đột ngột và trượt dài trên mặt đường trong các trường hợp thắng gấp thì sẽ khiến hệ thống phanh gặp phải vấn đề lớn. Lúc này xe không còn khả năng kiểm soát nữa vì hệ thống phanh đã mất tác dụng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp khắc phục hiện tượng mất kiểm soát khi phanh khẩn cấp.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp khắc phục hiện tượng mất kiểm soát khi phanh khẩn cấp

Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành công nghiệp ô tô đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống chống bó cứng phanh - Anti-Lock Brake System (ABS). Trong trường hợp bình thường khi gặp tình huống bất ngờ trên đường, người lái sẽ đạp mạnh phanh xuống hết sức, khi đó một hoặc nhiều bánh sẽ đột ngột ngừng quay và bị khóa cứng lại. Xe sẽ trượt lết trên mặt đường và tài xế gần như không thể kiểm soát được hướng di chuyển của xe. Nhưng nếu có ABS, khi phát hiện tốc độ quay của một hay nhiều bánh giảm đột ngột so với các bánh còn lại, hệ thống sẽ điều chỉnh áp lực phanh tới má phanh tương ứng bằng cách đóng hoặc mở van liên tục, giúp tránh hiện tượng trượt lết của bánh xe. Lúc này người lái có thể dễ dàng lấy lại tay lái và kịp thời xử lý tình huống.

ABS đã trở thành trang bị tiêu chuẩn của nhiều mẫu xe trong thời điểm hiện tại và là trang bị buộc phải có trên các dòng xe mới. Ở nước ta, các mẫu xe sedan hạng B đều được trang bị phanh ABS, như Toyota Vios, Honda City, Ford Fiesta hay Suzuki Ciaz vừa “trình làng”… Đối với các dòng xe hướng tới gia đình như Vios, Suzuki Ciaz thì hệ thống chống bó cứng phanh luôn là một trợ thủ đắc lực giúp chúng ta an tâm trên mọi hành trình.

Hệ thống phân bổ lực phanh EBD

Hệ thống phân bổ lực phanh EBD giúp đưa áp suất dầu phanh trên từng bánh xe đến một mức độ hợp lý.

Hệ thống phân bổ lực phanh EBD giúp đưa áp suất dầu phanh trên từng bánh xe đến một mức độ hợp lý

Ngoài công nghệ ABS, các hãng sản xuất xe hơi còn nghiên cứu ra thêm công nghệ Electronic Brakeforce Distribution (EBD) - công nghệ phân bổ lực phanh điện tử. Kết hợp với hệ thống ABS để lấy tín hiệu tốc độ vòng quay của từng bánh xe, hệ thống EBD giúp đưa áp suất dầu phanh trên từng bánh xe đến một mức độ hợp lý, phù hợp với từng điều kiện mặt đường. Khi mức độ an toàn ngày càng được yêu cầu cao hơn thì EBD giờ đây đã xuất hiện trên các mẫu xe phổ thông như: Honda City, Toyota Vios, Nissan Sunny, Suzuki Ciaz...

Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA

Công nghệ BA hay viết đầy đủ hơn là EBA - Emergency Brake Assist - công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp. Khi di chuyển trên đường cao tốc hay trên đường trường, công nghệ này sẽ đặc biệt quan trọng. Bởi khi di chuyển, đặc biệt với tốc độ cao, người lái sẽ có phản xạ không nhạy bén và thiếu khả năng đánh giá tình hình cũng như điều phối lực phanh không đủ, dẫn đến việc xe không có đủ lực phanh để giữ đúng khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Nguyên nhân của việc này là do quá trình di chuyển trên cao tốc hay đường trường, quang cảnh xung quanh và tốc độ di chuyển khiến người lái khó nhận biết được khoảng cách với xe phía trước và không dự đoán được xe phía trước có đang phanh gấp hay không, cho đến khi hai xe đã sát gần với nhau.

Công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp có vai trò vô cùng quan trọng khi xe di chuyển trên đường cao tốc hay trên đường trường.

Công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp có vai trò vô cùng quan trọng khi xe di chuyển trên đường cao tốc hay trên đường trường

Công nghệ EBA ra đời vì những lý do trên. EBA sẽ giám sát tốc độ đạp phanh của tài xế nhằm phát hiện ra tình huống đạp phanh bất ngờ. Kết hợp với hệ thống ABS, hệ thống EBA sẽ đưa thêm lực phanh vào để hỗ trợ giảm tốc độ của xe nhanh nhất có thể, trong khi đó đã có ABS lo liệu việc hạn chế bó cứng phanh. Với ưu điểm vượt trội này, EBA đang ngày càng xuất hiện phổ biến trên các xe hơi đời mới, thậm chí trên cả các mẫu xe bình dân tại Việt Nam như Toyota Vios, Suzuki Ciaz…

Chúng tôi đã có cơ hội thử khả năng hỗ trợ của hệ thống phanh khẩn cấp BA trên Suzuki Ciaz. Trong không gian khá hẹp tại Suzuki World, Phổ Quang, chuyên gia đã đạp thốc ga lên tốc độ trên 80 km/h và khi khoảng cách với bức rào chắn còn hơn 15m thì đạp phanh dứt khoát, lập tức hệ thống ABS, EBD và đặc biệt BA hoạt động ngay tức thì, giúp lái xe nhanh chóng kiểm soát, đánh lái giữ khoảng cách an toàn với hàng rào lúc đó chỉ còn cách chiếc xe vài chục cm, và đằng sau là gương mặt thất thần của cả đội.

An toàn có lẽ luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu với một mẫu xe phổ thông dành cho gia đình. Nếu chúng ta thực sự có kiến thức để hiểu rõ được nguyên tắc hoạt động của các hệ thống cũng như giữ được bình tĩnh trong các tình huống xử lý khẩn cấp thì mức độ an toàn sẽ được đẩy lên mức tối đa.

Túi khí an toàn

Túi khí giúp hạn chế những thương tích cho hành khách trên xe khi xảy ra va chạm.

Túi khí giúp hạn chế những thương tích cho hành khách trên xe khi xảy ra va chạm

Từ những năm 1941, hệ thống túi khí an toàn đã được nghiên cứu và phát triển, trải qua một thời gian dài chuyển mình để trở thành công nghệ an toàn tiêu chuẩn cơ bản nhất mà bất cứ một mẫu xe đời mới nào cũng phải được trang bị sẵn. Để thương mại hóa mẫu xe của mình, các hãng sản xuất xe sẽ không thể thiếu đi công nghệ túi khí an toàn. Túi khí - airbag có thể tạo ra một lượng khí cực lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhờ sử dụng một kíp nổ nhỏ. Các cảm biến nhận diện va chạm đặt trước đầu xe sẽ kích hoạt các kíp nổ này. Kíp nổ sẽ bung ra ngay khi bắt đầu va chạm, trước khi cơ thể bị dồn về phía trước. Nhờ đó, tỉ lệ tử vong của hành khách đã được giảm đến 13% so với việc không trang bị hệ thống an toàn này. Hiện tại, trừ chiếc Fiesta sedan là có được 06 túi khí từ Ford thì tất cả các mẫu sedan hạng B tại thị trường nước ta cũng đều được trang bị 2 túi khí cho ghế lái và ghế phụ.

Camera lùi

Bất cứ một khách hàng nào, sau khi mua xe, đều rất mong muốn xế cưng của mình sẽ sở hữu thêm một chiếc camera hỗ trợ lùi xe. Mặc dù, các cảm biến để hỗ trợ cho công việc lùi xe đã được trang bị trên một số mẫu xe nguyên bản và phát huy hiệu quả rất tốt. Nhưng so với các cảm biến, việc quan sát trực quan vẫn sẽ tạo cảm giác tự tin hơn cho người lái, đồng thời tăng độ an toàn hơn nhiều. Bởi việc quan sát trực tiếp bằng các camera góc rộng sẽ giúp người lái có khả năng quan sát bao quát hơn, trong khi cảm biến hỗ trợ lùi xe vẫn có một số điểm mù nhất định, khiến khả năng va chạm cao hơn.

Chính vì vậy, một trong số các ưu tiên hàng đầu khi chọn mua xe chính là việc lựa chọn các mẫu xe tích hợp camera lùi và màn hình trung tâm cỡ lớn. Ngày nay, các mẫu xe phổ thông đều trang bị sẵn tính năng tiện lợi này lên các mẫu xe của mình nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Trong các mẫu xe nhỏ phổ thông tại thị trường Việt Nam hiện nay như: Honda City, Toyota Vios, Suzuki Ciaz, Mitsubishi Attrage, Nissan Sunny… thì chỉ có Suzuki Ciaz, Sunny và Attrage được hãng sản xuất tích hợp sẵn camera hỗ trợ lùi xe và màn hình trung tâm cỡ lớn. Đây được xem là một trang bị khá đáng giá và là một điểm nhấn để khách hàng lưu ý khi chọn mua xe.

Một điểm cần cực kỳ lưu ý nữa là đối với dòng xe Gia đình như Suzuki Ciaz thì trong nhiều trường hợp camera lùi là một hệ thống không thể thiếu nếu người cầm lái là “vợ nhất” của bạn chứ không phải bạn.

Nguồn: Danhgiaxe.com

Đánh giá xe

Đánh giá xe BMW i8 2015: Xe cũ có gì hấp dẫn?

Đánh giá BMW i8 2015 để thấy được những nét đẹp nổi bật của dòng xe này khiến cho giới yêu xe cực kỳ yêu thích. Vẻ sang trọng, hiện đại và tốc độ đề được mọi người đánh giá...

Văn hóa xe

Lái xe ngược chiều trên cao tốc, chủ ô tô giải thích do 'nhầm đường'

Dù đã có người chặn lại và giải thích về việc lái xe chạy ngược chiều trên cao tốc, song người điều khiển chiếc ô tô chạy "nhầm đường" này vẫn cố chấp không chịu quay đầu.

Tin đã lưu