Thông tư 03: Rào cản lớn của xe hơi nhập khẩu
Thị trường xe hơi Việt Nam trong năm 2018 sẽ khan hiếm xe hơi nhập khẩu vì Thông tư mới ban hành của Bộ GTVT.
Vừa qua, Thông tư 03/2018 được ban hành để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Nghị định 116/2017 về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2018.
Thông tư 03 được đánh giá là rào cản lớn của Chính phủ đối với các dòng xe nhập khẩu, đặc biệt là các mẫu xe dưới 10 chỗ.
Giá xe hơi nhập khẩu tăng mạnh
Thông tư 03: Rào cản lớn của xe hơi nhập khẩu
Thông tư 03/2018 do Bộ GTVT ban hành có nhiều quy định và chi tiết cần chú ý đối với dòng xe hơi nhập khẩu vào Việt Nam. Chỉ riêng xe hơi nhập nguyên chiếc hoàn toàn mới, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp cho cơ quan chức năng một bộ hồ sơ gồm 12 loại giấy tờ khác nhau. Trong đó, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe hơi là khó thực hiện và được cấp nhất trong các hồ sơ chứng từ cho dòng xe nhập khẩu.
Hơn nữa, những lô xe nhập khẩu nguyên chiếc hoàn toàn mới phải thông qua đợt kiểm tra chất lượng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Mỗi mẫu xe hơi đại diện từng kiểu loại trong lô hàng phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm về các mục được đề cập trong Thông tư 03.
VAMA (Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam) cho biết, Thông tư này thực sự là một rào cản lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi. Bên cạnh đó, một số đại diện của các công ty nhập khẩu cũng nghĩ rằng quy định kiểm tra theo Thông tư 03 là tốn thời gian chờ theo từng lô hàng cũng như phát sinh các chi phí không cần thiết cho cả nhà cung cấp lẫn khách hàng.
Hơn nữa, ngoài giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại mà Nghị định 116 yêu cầu, Thông tư 03 còn đòi hỏi nhà cung cấp phải có giấy chứng nhận linh kiện của một số bộ phận như lốp, kính chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước và kính.
Trở ngại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp phải dừng nhập khẩu xe hơi vì các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới không cung cấp các giấy tờ như thông tư yêu cầu. Điển hình, ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, chia sẻ công ty đã ngừng hoạt động nhập khẩu xe hơi và chuyển sang chỉ bán các loại xe hơi cũ nội địa.
Bà Nguyễn Thị Hiền, người chịu trách nhiệm mảng xe hơi qua sử dụng của Toyota Việt Nam, cho rằng Thông tư 03 có nhiều quy định khắt khe hơn đối với xe hơi nhập khẩu. Theo tình hình hiện tại, phải đến giữa 2018, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp có thể nhập khẩu xe hơi về Việt Nam. Thậm chí, các doanh nghiệp phải ngừng nhập xe từ nước ngoài.
Bà Hiền cũng cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu xe từ các nước trong khối ASEAN gặp khó khăn nhất, vì các nước như Thái Lan hay Indonesia sử dụng tay lái ngược với Việt Nam. Vì vậy, để lấy được chứng nhận chất lượng xe xuất khẩu từ các nhà sản xuất ở những nước này tốn nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Vũ, chủ đại lý kinh doanh xe hơi tại Tp.HCM chia sẻ, đại lý phải thông báo cho các khách hàng đã đặt cọc mua xe về việc dời thời gian giao hàng, chủ yếu là mẫu Toyota Fortuner xuất xứ từ Indonesia. Ông cũng cho biết, Thông tư 03 khiến đại lý gặp khó khăn. Cụ thể, đại lý phải xin lỗi với nhiều khách hàng, và bồi hoàn tiền đặt cọc cho các khách hàng. Ngoài ra, đại lý còn phải cung cấp thêm gói dịch vụ và phụ kiện cho khách hàng đồng ý mua xe lắp ráp trong nước thay vì các mẫu nhập khẩu.
Tác động tiêu cực đến dòng xe hơi nhập khẩu
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi cho biết, Chính phủ càng siết chặt quản lý đối với xe hơi nhập khẩu, các dòng lắp ráp trong nước hưởng được lợi càng nhiều. Thậm chí, Thông tư khiến thị trường xe hơi Việt Nam trong mấy ngày cận Tết khốn đốn khi cung không đủ cầu, thậm chí các loại xe lắp ráp vừa xuất xưởng đã cháy hàng. Từ đ1o, thị trường dần bị các dòng xe lắp ráp nội địa chiếm lĩnh. Trong đó, các mẫu xe lắp ráp nội địa của Toyota Việt Nam là Vios, Innova, Altis đều hưởng ưu đãi giảm giá 3 – 10%. Đặc biệt, mẫu Vios có mức giảm cao nhất với 51 – 58 triệu đồng, còn mẫu 7 chỗ innova giảm từ 42 – 50 triệu đồng.
Các hãng xe khác cũng tiến hành giảm giá cho các mẫu lắp ráp nội địa. Cụ thể, nissan giảm 50 – 127 triệu đồng, Mitsubishi Outlander lắp ráp thấp hơn 200 triệu đồng so với bản nhập khẩu.
Anh Tiến Mạnh, một khách hàng tại Tp.HCM cho biết, việc tìm mua các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc như Everest hay Explorer là vô cùng khó khăn. Thậm chí, khách hàng phải chấp nhận bỏ thêm vài chục triệu đồng mới có thể mua được mẫu xe mình mong muốn vì lý do “cháy hàng”. Vì vậy, anh quyết định mua xe lắp ráp và sản xuất nội địa mặc dù thiết kế của các mẫu xe trong nước không đáp ứng được yêu cầu.
Theo bà Nguyễn Hiền, chủ đại lý Hiền Toyota trên đường Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM, vì tác động của Nghị định 116 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018, nhiều nhà sản xuất lớn như Toyota và Honda đã quyết định không sản xuất xe hơi nhập khẩu dành cho thị trường Việt Nam nữa. Gần đây, Bộ GTVT lại ban hành thêm Thông tư 03 càng khiến cho nhiều xe hơi nhập khẩu thông thể vượt qua rào cản.
Bà cũng cho rằng, thông tư này có tác động tiêu cực lên dòng xe nhập khẩu. Do rào cản từ thông tư, số lượng xe nhập khẩu sẽ ngày càng khan hiếm, giá xe nhập khẩu sẽ tăng cao. Đơn cử, các dòng xe nhập nhiều như Yaris, xe bán tải Hilux sẽ tăng vài chục triệu đồng/xe. Trong khi đó, mẫu Fortuner tăng hơn 100 triệu đồng, còn mẫu hạng sang Lexus tăng hơn 200 triệu đồng và còn có xu hướng tăng thêm nữa.
Nghịch lý cho thị trường xe hơi Việt
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, đầu năm nay, không có bất kỳ một chiếc xe hơi nào thông quan nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Tp.HCM. Hiện tượng này hoàn toàn ngược lại so với các năm trước đó. Vì thông thường, các hãng xe sẽ nhập khẩu hàng loạt lô xe về do nhu cầu người tiêu dùng mua xe trước Tết tăng cao.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng nhập khẩu xe hơi vì giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe hơi nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài nước ngoài cấp phải được nộp lên cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này, như đã đề cập bên trên, khó có thể được cấp từ các nhà sản xuất. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp dừng hoạt động nhập khẩu xe hơi về Việt Nam tiêu thụ.
Thêm vào đó, số lượng xe hơi nhập khẩu về Việt Nam đầu năm 2018 cũng sụt giảm nghiêm trọng. Kim ngạch nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc 15 ngày đầu năm chỉ có 60 chiếc, trị giá trên 5,6 triệu USD. Trong đó, dòng xe hơi dưới 10 chỗ chỉ nhập được 6 chiếc với giá trị kim ngạch 282.708 USD.
Nguồn: cafeauto.vn