Hyundai giữ vững “lập trường”, không chạy theo xu thế xe nhập
Giữa “làn sóng” chuộng xe ngoại, Hyundai Thành Công vẫn tạo nên chỗ đứng cho riêng mình với “lập trường” lắp ráp toàn bộ sản phẩm trong nước, cung cấp đến khách hàng Việt.
Thời đại của xe nhập khẩu
Tuy có từ lâu, nhưng kể từ hồi tháng 7/2017 – thời điểm chính thức cắt giảm lộ trình thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, sự ưa chuộng xe ngoại mới chính thức trở thành trào lưu của người dùng Việt.
Người dùng Việt ngày càng ưa chuộng xe nhập khẩu
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10/2018, thị trường cả nươc có đến 11.300 ô tô nhập khẩu tiêu thụ, đạt mức tăng trưởng 46% so với tháng 9 trước đó. Ngoài ra, thống kế từ Tổng cục hải quan Việt Nam cũng cho biết, lượng xe nhập khẩu trung bình trong tháng 11.2018 ước tính khoảng 3.000 xe/tuần. Xe chủ yếu có xuất xứ từ 2 quốc gia có sản lượng ô tô sản xuất lớn nhất khu vực là Thái Lan và Indonesia.
Trước xu thế này, loạt thương hiệu lớn trên thị trường Việt Nam đã lựa chọn bước đi “cuốn theo chiều gió” bằng việc: cắt giảm ô tô lắp ráp nội địa, gia tăng sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN. Những tên tuổi lớn bắt kịp xu hướng phải kể đến như: Toyota, Mazda, Ford, Mazda… đều dần chiếm lĩnh thị phần cao nhất trong ngành công nghiệp ô tô Việt.
Toyota là đơn vị tiên phong trong trào lưu chuộng ô tô nhập ngoại
Trong đó, Toyota Việt Nam (TMV) là “cánh tay” tiên phong. Hãng xe đã lựa chọn chuyển đổi mẫu Toyota Fortuner từ hình thức lắp ráp trong nước thành xe nhập ngoại. Sau những vướng mắc từ Nghị định 116/2017, Fortuner về nước đều đặn hơn với doanh số bán hàng ổn định đạt 1.000xe/tháng. Kế tiếp, loạt những dòng xe nhập khác cũng lần đầu tiên góp mặt tại Việt Nam như: Toyota Wigo, Rush hay Avanza… Chưa kể, một trong số đó là Wigo đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của “cổ thụ” Hyundai Grand i10 trong phân khúc hatchback giá rẻ.
Không thua kém, Toyota Rush cũng mang đến làn gió mới thu hút người dùng trong phân khúc xe đa dạng. Xe so tài ngang sức cùng đối thủ Mitsubishi Xpander. Về phần Avanza, đây là phiên bản “mini” của Innova trong phân khúc MPV và đang từng bước chứng tỏ sức mạnh của mình.
Trong năm 2018, Toyota Việt Nam dã bổ sung thêm loạt sản phẩm nhập khẩu
Đơn vị tiếp theo xung phong “chuyển mình” theo thời thế là Honda Việt Nam. Duy chỉ có Honda City vẫn là sản phẩm lắp ráp trong nước, còn lại Honda Civic, HR-V, CR-V hay Jazz… đều được nhập về từ Thái Lan. Nổi bật nhất là chiếc Honda CR-V, hàng chỉ về nhỏ giọt trong khi nhu cầu khách hàng liên tục tăng cao. Đặc biệt, mẫu xe còn là ô tô nhập ngoại duy nhất trong phân khúc của mình khi đối đầu cùng Nissan X-Trail, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander…
Bên cạnh đó, Mitsubishi cũng đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt với danh sách xe nhập giá rẻ nhất thị trường, bao gồm: Mitsubishi Xpander, Mirage, Attrage, xe bán tải Triton và chiếc SUV 7 chỗ Pajero Sport. Hiện tại, mẫu xe hot nhất là Xpander – sở hữu lượng lớn¬ đặt hàng lớn nhưng nguồn cung không kịp về nước.
\
Honda CR-V thế hệ mới được nhập khẩu về từ Thái Lan, hưởng thuế 0%
Tuy có nhiều đắn đo, lưỡng lự nhưng cuối cùng, THACO đã chịu cho thấy động thái đầu tiên trong việc hưởng ứng trào lưu. Đơn vị này đã chính thức ngừng lắp ráp Mazda 2 và nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe về từ Thái Lan.
Hyundai Thành Công chọn cho mình “lối đi riêng”
Trường Hải cuối cùng ngưng lắp ráp và nhập khẩu Mazda 2 từ Thái Lan
Hyundai Thành Công (HTC) hiện xếp thứ 2 sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam với 51.046 xe du lịch xuất xưởng đến tay khách hàng nếu tính từ đầu năm đến nay. Đây là đơn vị duy nhất không sở hữu sản phẩm xe nhập khẩu nào. Trước đó, Hyundai Sonata – chiếc xe nhập “đơn mình lẻ chiếc” cũng đã ngừng bán từ cuối năm 2017.
Lựa chọn đi ngược lại xu hướng, HTC hiện vẫn đều đặn sản xuất các mẫu xe ăn khách như Hyundai Grand i10, Hyundai Elnatra, Tucson, Accent, Santa Fe…Trong đó, đắt hàng nhất vẫn là chiếc Grand i10 – “ông lớn” trong phân khúc hatchback hạng A trên thị trường Việt. Tiếp đó, Hyundai Accent thế hệ mới cũng sớm được ra mắt vào hồi tháng 4/2018 và nhanh chóng vươn chen chân vào Top xe hạng B bán chạy, vượt mặt đối thủ Honda City và chỉ đứng sau “ông hoàng” doanh số Toyota Vios.
Hyundai Thành Công không có ô tô nhập khẩu
Hyundai Santa Fe, Tucson cũng lần lượt được giới thiệu đến người dùng trong nước. Phân khúc SUV đô thị có sự góp mặt của Hyundai Kona lắp ráp nội địa. Dù trình làng chưa lâu nhưng Kona đã ngay lập tức bỏ qua đối thủ sừng sỏ Ford EcoSport với thành tích 650 xe bán ra trong tháng 10/2018.
Dù không biết trong tương lai gần, liệu Hyundai Thành Công có hay không thay đổi lối đi của mình, nhưng hiện tại thương hiệu này vẫn đang chinh phục khách hàng Việt với thành tích đáng khen ngợi của mình.
Xem thêm:
- Đánh giá xe Toyota Wigo 2019 bản cao cấp nhất về thiết kế và sức mạnh
- Đánh giá xe Mazda 3 2018: Mẫu sedan bán chạy nhất phân khúc sedan hạng C
- Mercedes-Benz GLE 2019 thế hệ mới đầy cuốn hút trên thực địa
Nguồn: banxehoi.com